patthana.com | sannhien.com.au | daiphatthu.com |
---|
Tài liệu tải từ trang Phật Học Vấn Đạo. Xin tri ân đạo hữu Minh Hạnh ghi chép. |
---|
Tâm Vô Nhân Định nghĩa Tâm Vô Nhân là gì? Trong Phật Giáo, người ta thường nói Giáo lý của Đức Phật dựa trên nền tảng căn bản của một nguyên lý vĩnh hằng không thay đổi đó là Luật Nhân Quả. Có Nhân thì có Quả, tương hợp với nhau chặt chẽ và xác định và không có gì sai trật, nhân nào quả đó. Tuy nhiên, khi ta tìm hiểu được nhân thì có sai biệt, người có kiến thức hay bậc trí tuệ mới thấy rằng không phải tất cả nhân đều cho quả hết. Khi chúng ta nói được như vậy, ta phải tìm ra được thế nào gọi là "Nhân" thế nào gọi là "Quả". Thế nào gọi là nhân, và nhân nó như thế nào? chúng ta phải tìm ra được thì mới nói chính xác được. Có 4 loại nhân, 4 loại nhân này tiếng Pali gọi là hetu là nguồn gốc, nhân khởi sanh hay là nguyên nhân. Chúng ta có 4 loại hetu: 1) Hetu Hetu là Nhân Nhân 2) Paccaya Hetu là Nhân Duyên 3) Uttama Hetu là Chí Thượng Nhân 4) Sadhāraṇahetu là Phổ Thông Nhân là có mặt khắp mọi nơi ở đâu cũng có mặt. Bây giờ chúng ta giải thích từng loại hetu. 1) Hetu Hetu (Nhân Nhân) Hetu hetu gọi là nhân nhân, có 6 loại nhân nhân là: tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Từ 6 nguyên nhân này tạo ra biết bao nhiêu là hành động trên thế gian này, Có người thì tham, có người thì sân, có người thì si. Có người vừa có si và sân. Có người vừa có si và tham, Cũng như vậy, người thì vô tham, người thì vô sân, người thì vô si. Nhưng cũng có người vô sân và vô si, cũng có người vô si và vô tham. Do đó, nó cũng tạo ra biết bao nhiêu hành động, qua sự hiện bày của thân, lời, ý. Vậy thì 6 loại nhân này tái tạo tác động trên thế gian này không biết bao nhiêu. Đó là thứ nhất. 2) Paccaya Hetu (Nhân Duyên) = Tứ Đại làm duyên, Tứ Đại làm nhân tạo ra sắc uẩn nên gọi là Paccaya Hetu hay là Nhân Duyên. Thứ hai là Paccaya Hetu còn gọi là Nhân Duyên. Khi ta nói Paccaya Hetu là những nhân làm duyên hiện bày ra pháp nên gọi là Nhân Duyên. Qúi Phật tử không lộn với bộ Paṭṭhāna cũng chữ Hetu Paccaya nó lại khác, ở bộ Paṭṭhāna thì bài duyên đầu tiên gọi là Hetu Paccaya cũng dịch là Nhân Duyên, nhưng từ ngữ Pali đảo chữ, một chữ là Paccaya hetu, và một chữ là Hetu Paccaya hai chữ này đảo nhau và nghĩa khác nhau. Nhân duyên Hetu Paccaya ở bộ Paṭṭhāna bộ thứ 7 của Abhidhamma thì bộ thứ 7 này nói 6 nhân Hetu Hetu liên quan đến : tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si. đó là bộ Paṭṭhāna, Duyên đầu tiên ta được học qua với phần Phát Thú là Hetu Paccaya là nhân duyên Còn ở đây, Sư đang trình bày có 4 loại nhân hiện hữu bao trùm trong Tam Giới luôn luôn bị chi phối, thì Duyên làm Nhân còn gọi là Nhân Duyên. Như vậy, định nghĩa Paccaya Hetu (Nhân Duyên) hay ta gọi là Tứ Đại làm duyên làm nhân tạo ra sắc uẩn, hay gọi là Paccaya Hetu. Nói tới Tứ Đại, chúng ta nói bao trùm hết tất cả sắc pháp, sắc hữu sinh mạng, và sắc phi sinh mạng. Hetupaccaya - Nhân Duyên (Paṭṭhāna) là sắc phi sinh mạng là không có mạng sống là vô tri vô giác, đây là sắc vô sinh mạng. Còn mạng của ta là sắc hữu sinh mạng có sự sống, sự sinh hoạt của nó có nên gọi là hữu sinh mạng, nó có mạng sống của nó. Thì dù cho phi sinh mạng hay là hữu sinh mạng đều là nền tảng sinh ra sắc pháp này bởi Tứ Đại (đất, nước, lửa, gió). Bao trùm hết tất cả sắc pháp ở trên thế gian này trừ cõi trời Vô Sắc Giới, thì cõi trời Dục Giới và cõi trời Sắc Giới thìtất cả các sắc pháp có dù thô hay tế, dù hiện hay ẩn nó lộ ra hay là biến đi đều nằm trong góc độ do Tứ Đại làm duyên, làm nhân tạo ra tất cả. Chính do đó ta gọi là Nhân Duyên. Khi ta nhìn thấy được góc độ đó, chính đó ta là người trí, ta có được sự nhận thức rõ là Nhân Duyên (Paccaya Hetu) này hình thành ra sắc pháp (là thân của ta) chứ không phải ai làm ra cả. Nếu ta nhìn thấy được cái đó thì ta mới liễu tri mình có một bước tiến tu để mà diệt bớt thân kiến hay là cái ngã mạn trách lầm trong ngũ uẩn này hay nó là sắc uẩn này của "tôi" của "ta". Đó là Paccaya Hetu. 3) Uttama Hetu là Chí Thượng Nhân Nói đến Chí Thượng Nhân, nó quyết định tất cả mọi tạo tác, nghiệp thiện, nghiệp bất thiện, là nhân tạo ra các dị thục quả thiện và quả bất thiện. Như vậy, ở trong đời này, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, hay là, xả thí, bố thí, trì giới, tham thiền, là những loại nghiệp thiện và bất thiện này tạo ra bao nhiêu quả dị thục sanh trở lại cho chúng sanh đó bởi cấp độ Chí Thượng Nhân làm ra. Khi qúi Phật tử sống trong đời, qúi Phật tử xả thí, trì giới và tham thiền, ba cái đó là qúi Phật tử bị tác động hay là có sự tác động bởi một nghiệp thiện, mà nghiệp thiện này làm cho qúi Phật tử được quả an vui. Nhưng bù lại, với nghiệp bất thiện như, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, thì nhân tạo ra với những tác động của nghiệp bất thiện cho quả khổ đau. Đó là Chí Thượng Nhân, là mãnh lực tác động hay tái tạo hay hình thành chúng sanh ở trong đời này, cái đó là nhân tố. Đức Phật Ngài nhìn thấy chúng sanh trôi lăn trong Tam Giới, Đức Phật nói khi tâm chúng sanh nghĩ đến chuyện bất thiện mà không nghĩ đến việc thiện thì tâm chúng sanh tạo ra bao nhiêu là chuyện bất thiện, lúc đó là Chí Thượng Nhân đang tác động đến. Với một người chưa từng xả thí và bây giờ họ xả thí, mãnh lực đó gọi là Chí Thượng Nhân. Có những người rất keo kiệt bỏn xẻn không cho ra bất cứ một vật nhỏ vật to trong cuộc đời, thì lúc họ cho ra một chén cháo hay một chén cơm cúng dường một vị sư đi bát, đó là một Chí Thượng Nhân, họ qua được con đường an vui rồi. Thứ hai, trong cuộc đời một người chưa từng bao giờ làm việc ác việc xấu nhưng hôm nay họ phải làm một điều xấu điều ác, đó là một Chí Thượng Nhân đẩy họ vào con đường khổ thú để gặt hái sự khổ đau với mãnh lực họ đang tạo ra mà lúc đó là Chí Thượng Nhân tác động cho một nguyên nhân. Một người Phật tử thuần thành dễ thương không làm gì sai trật nhưng vì một nhà sư làm việc gì đó khiến họ tức giận, họ có thể làm một việc xấu đối với nhà sư, đó là Chí Thượng Nhân tác động họ. 4) Sadhāraṇahetu là Phổ Thông Nhân là có mặt khắp mọi nơi ở đâu cũng có mặt. Nếu chúng ta còn ở trong Tam Giới thì Phổ Thông Nhân này là một mãnh lực là nhân tố hình thành ra chúng sanh ở trong Tam Giới. Vô Minh là Phổ Thông Nhân làm hình thành ra tất cả các pháp hữu vi hay gọi là pháp thành, do đó gọi là Phổ Thông Nhân. Còn trong Tam Giới chúng ta chưa được giải thoát vẫn còn bị chi phối bởi tính chất phổ thông này là vô minh. Sư và qúi Phật tử không ngoại lệ, ngày nào chúng ta chưa đắc quả thánh, chưa giải thoát Niết-bàn, ngày nào ta còn sanh tử luân hồi ngày đó chúng ta còn bị Phổ Thông Nhân chi phối, tác động ta mãnh liệt và, theo ta như bóng với hình trong từng sát na, trong hành động vô minh chúng ta tạo ra biết bao hành động sai trái. Có khi chúng ta làm việc thiện nhưng mà qúi Phật tử không biết được chuyện đó làm với một nhân tố nào, cái đó qúi Phật tử đang làm với Phổ Thông Nhân đang chi phối qúi Phật tử. Một đứa bé cho một trái chuối cho một vị Sư, một việc thiện được nhìn thấy nhưng tác ý của đứa bé đó không biết việc làm đó ý nghĩa là gì chỉ nghe người mẹ kêu nó ra đặt trái chuối vô bình bát, như vậy nó làm với một Phổ Thông Nhân. Khi ta hiểu được ý nghĩa đó qúi Phật tử đang làm qúi Phật tử nên giữ. Còn những gì qúi Phật tử sẽ làm qúi Phật tử nên giữ cái sẽ làm qúi Phật tử có bị chi phối bởi Phổ Thông Nhân này không, lúc đó qúi Phật tử phải coi góc độ đó, như vậy thì ở góc độ qúi Phật tử sẽ thấy rằng bốn loại nhân này thì chúng ta ở đâu và chúng ta sẽ sống với loại nhân nào. Thiền sinh: Thưa Sư, cái Phổ Thông Nhân có trong bậc Thánh không? TT trả lời: Trừ khi là Đức Phật hay là vị Alahán không còn bị vô minh, còn tam quả vẫn còn bị vô minh. Như vậy, ở đây khi chúng ta học xong 4 loại nhân này, qúi Phật tử không có non nớt và yếu đuối mà gom hết 4 cái vào trong người mình, qúi Phật tử chỉ làm một nhân thôi, qúi Phật tử cố gắng giữ cái HetuHetu (nhân nhân), chúng ta không cần đi tìm tứ đại để tạo ra sắc uẩn làm chi mà tìm cái đó là cái nhân duyên này thuộc loại nào, qúi Phật tử không phải lo, qúi Phật tử cũng không cần phải lo nghiệp thiện hay bất thiện, qúi Phật tử phải giữ tâm mình theo loại nhân nhân (HetuHetu) này kết hợp đánh ra được cái Chí Thượng Nhân, và nếu trên con đường mà chúng ta tìm được nhân nhân này là hai yếu tố đang có qúi Phật tử có thể đánh ra được con đường Phổ Thông Nhân có tác động đến mình thật sự hiểu biết mình có thể tránh được. Tâm Vô Nhân Hôm nay chúng ta học Tâm Vô Nhân là những loại tâm không có nhân tương ưng với nó, không có nhân tố tạo ra nó, nó thừa hưởng quả thôi chứ không tạo nghiệp ra nữa, không tạo ra một cái sanh nữa, nên gọi là tâm vô nhân, nó không có những nhân tác động. Ngày hôm nay trên thế gian, riêng ở tại nước Mỹ này chúng ta đang sống có những loại trái cây không có hột, thí dụ như nho không có hột hay còn nhiều loại trái cây không có hột khác, qúi Phật tử ăn những trái cây đó là những trái cây vô nhân, nó không có mầm mống để tạo ra cây đó nữa, ghép cây thì không nói tới, chúng ta đang nói quả của cây trái ăn không có hột. Như vậy, có những loại tâm không tạo ra nghiệp mà chính bản thân nó là quả rồi không còn trổ sanh nghiệp nữa nên gọi là tâm vô nhân. Thì tâm vô nhân là những loại tâm quả bản chất là quả rồi và nó không tạo ra nhân nữa, chính cái đó ta gọi là tâm vô nhân. Sư nhắc lại lần nữa, tâm vô nhân là những loại tâm bản chất của nó là tâm quả do đó nó không tạo ra một nhân tố hình thành ra một cái gì quả báo nữa nên gọi là tâm vô nhân. Đầu tiên chúng ta định nghĩa 18 tâm vô nhân là, những tâm sinh ra và không có những nhân tương ưng với nó hoà trộn hay kết hợp với nó hiện bày tâm lý của tâm biết đối tượng đó gọi là tâm vô nhân. Khi tâm sinh ra có sự tương ưng với tà kiến, tương ưng với ngã mạn, tương ưng với khuể phẫn, tương ưng với hoài nghi hay tương ưng với phóng dật hay tương ưng với tham, với sân, với si, những tâm đó là tâm hữu nhân, còn những tâm sinh ra không có trạng thái như vậy đó nên gọi là tâm vô nhân, chúng hiện bày máy móc mà thôi và sau khi nó làm tính chất máy móc xong nó không để lại một hậu quả việc làm của nó nên gọi là tâm quả vô nhân, tâm các vị Alahán dùng là tâm quả thiện vô nhân. Đầu tiên là 7 tâm quả bất thiện vô nhân, kế tiếp là 8 tâm quả thiện vô nhân. Với các vị Thánh nhân có thể dùng những loại tâm này hay dùng những tâm đại quả phần dục giới này. Còn đây chúng ta sẽ thấy rõ những tính chất này trước với hình thức là tâm quả vô nhân. Bây giờ chúng ta đi qua chi tiết mỗi lãnh vực của nó. 1) Đầu tiên, chúng ta sẽ thấy tâm vô nhân là những tâm sanh ra không có nhân tương ưng, không có nhân tương ưng là không có một trong 6 nhân. 2) Thứ hai, nó là tâm quả dị thục hoặc tâm duy tác, chỉ tạo tác ra và không để lại quả báo của hành động tạo tác, nên gọi là tâm vô nhân. Như vậy, khi ta nói tâm vô nhân là đặc trưng hai tính chất đó để chúng ta biết rõ nó. Thì khi chúng ta nhận thức được nó là tâm vô nhân thì ngoài những tâm này ra thì ta gọi là: Tâm hữu nhân, nó có ít nhất là một nhân tương ưng với nó, hay có hai nhân tương ưng với nó, hay có ba nhân tương ưng với nó. Như vậy, chúng ta nhìn trở lại sau khi học được 6 nhân tương ưng đó chúng ta thấy với 12 tâm bất thiện ta gọi là tâm hữu nhân. Như vậy thì: - 8 tâm tham có 2 nhân là tham và si (tâm tham không có sân) - 2 tâm sân có 2 nhân là sân và si - 2 tâm si có 1 nhân duy nhất là chính nó là si Những tâm này gọi là tâm hữu nhân, từ một nhân tới 2 nhân. Hôm nay chúng ta đi qua lãnh vực tâm vô nhân, chúng ta sẽ học những tâm này không có những nhân tương ưng với nó như là tham, sân, là si, hay là, vô tham, vô sân, vô si, nên gọi là tâm vô nhân. Trong Bảng Nêu Chi Pháp, hàng thứ tư có 7 tâm vô nhân. 7 tâm quả bất thiện vô nhân: 1) Tâm nhận thức câu hành xả 2) Tâm nhĩ thức câu hành xả 3) Tâm tỷ thức câu hành xả 4) Tâm thiệt thức câu hành xả 5) Tâm thân thức câu hành khổ (là tâm quả đón nhận lại quả bất thiện của nhân bất thiện tạo ra, do đó tâm thân thức này thọ lãnh khổ thọ) 6) Tâm tiếp thâu câu hành xả 7) Tâm thẩm tấn câu hành xả (Ngoại trừ Tâm Thân Thức là câu hành khổ, 6 tâm còn lại là xả thọ với một trạng thái máy móc thâu lấy cảnh và không hưởng cảnh, nó chỉ thâu mà không hưởng nên gọi là máy móc). Người gác cửa một cơ quan thấy khách tới thì mở cửa cho khách vô chứ không có phận sự tiếp khách, là người nhận khách vô do đó không hưởng cảnh của khách. Thí dụ một cơ quan y tế hay văn phòng của bác sĩ, khi bệnh nhân tới thì người gác cửa mở cửa ra cho bệnh nhân đi vô gặp người tiếp viên, người tiếp viên mới vô sổ rồi giao cho bộ phận chuyên môn, người cuối cùng nhận lấy khách đó là bác sĩ. Thì những khâu từ mở cửa cho tới tiếp viên rồi qua những khâu chuyên môn làm giấy tờ phụ thuộc trước khi đưa tới bác sĩ, những khâu đó làm việc máy móc mà thôi, họ không biết gì khác hơn khi bệnh nhân vô tới bác sĩ rồi thì bác sĩ mới quyết định là khám coi bệnh gì thì lúc đó như là tâm đang hưởng cảnh, còn những khâu đầu tiên họ chỉ đón và truyền đưa thôi chứ không làm gì cả. Chính do đó là nó mang tính chất là "câu hành xả" thản nhiên không có hưởng cảnh, cái đó không vui cũng không có gì buồn, làm việc một cách máy móc thâu lấy cảnh mà không hưởng cảnh. Bây giờ chúng ta đi qua định nghĩa từng tâm để hiểu tại sao nó gọi như vậy. 1) Tâm nhận thức câu hành xả Tâm Nhận Thức là trạng thái biết cảnh sắc nhưng nó không hưởng cảnh sắc, chúng ta nhìn vô chúng ta thấy con mắt ta thâu cảnh sắc vô thôi, nhưng đằng sau cảnh sắc đó là một Tâm Ý Thức hưởng cảnh sắc đó chứ con mắt không có hưởng. Giống như cái máy chụp hình khi được người ta bấm nút cảnh sắc chui vô còn nếu không ai bấm núi thì cảnh sắc bên ngoài nó không chui vô, nhưng khi được chui vô thì cảnh sắc được đem vô trong máy rồi thì người mà hưởng lấy cảnh đó là người biết bấm và thâu cảnh đó, còn máy chụp hình này không có một cảm xúc. Qúi Phật tử hỏi cái máy này có thích không, nó không trả lời, hỏi nó có vui không, nó không trả lời, nó chỉ làm theo mệnh lệnh của người chủ nó ra lệnh thâu cảnh đó vô máy đó, nó làm xong là hết nhiệm vụ của nó. Thì cũng vậy, lúc Tâm Nhận Thức (hôm nay ta học) là chúng ta chỉ thâu lấy cảnh sắc vô một cách máy móc, vậy là sau cái cảnh quyết định cảnh sắc đó một chuỗi dài Ý Thức, Tâm Ý Thức đó nó mới quyết định, thích không thích, ghét không ghét thì lúc bấy giờ là những tâm đó, chứ Tâm Nhận Thức nó làm xong rồi, đây là một tâm quả mà nó thâu lấy cảnh sắc như vậy tâm ta đang nói đây là tâm quả bất thiện do đó tâm Nhận Thức này thâu lấy cảnh sắc bất toại nguyện không tốt. Trên đường ta đi thấy cảnh xe đụng, đó là Tâm Nhận Thức quả bất thiện thâu cảnh sắc xấu. Mà trên đường ta đi đó cũng có nhiều người, ta nhìn thấy cảnh đụng xe đó nhưng có nhiều người họ không thấy, hoặc người ta nhìn thấy cảnh đụng xe còn mình thì không thấy. Tại vì mỗi người có nhân quả liên hệ không giống nhau. Ngồi chung một xe mà cũng không có trường hợp người thấy người không thấy. Chẳng hạn giờ Sư ngồi lái xe, Sư chở qúi Phật tử đi Sư lái, còn qúi Phật tử ngồi trên xe an nhàn quá ngủ gục. thì lúc đó Sư hỏi: - " Có thấy không?", Trả lời: "không thấy tại vì ngủ". Nhưng mà tại sao Sư thấy? Tại vì Nhân quá khứ và Quả hiện tại Sư nhìn thấy được cảnh xấu đó, còn qúi Phật tử không gieo nhân nên khiến qúi Phật tử ngủ, do đó qúi Phật tử không thấy." Đó là trạng thái như vậy mỗi người sai biệt nhau. Thứ hai nữa, có khi ngồi chung xe hai người củng mở mắt nhìn cảnh, nhưng người thấy cảnh này người thấy cảnh kia, hai cái có nhân quả khác biệt nhau, chung xe mà nhìn không chung cảnh. Do đó mỗi một cái như vậy là những đặc tính riêng của nghiệp báo mà hình thành cái nhân có ngày hôm nay, tâm quả mà ngày hôm nay chúng ta sẽ đón nhận. Tuy nhiên qúi Phật tử không thể nào nói được với một quan kiến của mình những tâm thức này của mỗi đối tượng chúng sanh khác nhau. Chẳng hạn, với Tâm Thiệt Thức là tâm biết cảnh vị. Một người thích ăn ớt thì trạng thái cay là cảnh vị ngon của họ, nhưng với người không thích ăn ớt mà ăn trúng miếng ớt thì trở thành cay quá không còn ngon nữa. Qúi Phật tử phải thấy như vậy, qúi Phật tử không thể phán quyết người ăn ớt là Tâm Thiệt Thức quả bất thiện, tại vì mình lấy tâm của mình mà nói về tâm của người ta, mình không được nói. Khi qúi Phật tử học xong loại Tâm Vô Nhân này qúi vị không thể trở thành một vị quan toà để lên án và xét xử nghiệp báo của chúng sanh khác, càng học càng hiểu qúi Phật tử càng thu thúc lại và không được nhận xét người khác. Cũng như vậy, với những trạng thái phải nhìn thấy chúng sanh khổ lắm, mình ăn ớt mình sợ người ta ăn ớt người ta vui, con người ăn thịt tươi tốt trong khi con quạ ăn thịt đã bị thúi rữa, cái đó là cái ngon của nó, như vậy thì lúc đó mình nói tâm thiệt thức đó là ngon của nó, nghiệp của nó dẫn đến nó ăn cái đó, cũng như những con dòi nằm trong phân nó ăn phân nhưng mình nhìn thấy mình sợ, cái đó là sự khác biệt của chúng sanh là như vậy. Tỷ thức ngửi mùi khí hôi khó chịu, người ở trong cảnh bất thiện và họ không thấy đó là khó chịu, còn khi con người ở trong quả phước báu họ không bao giờ đón nhận mùi hôi khó chịu, chúng ta đừng có nói "ở gì mà hôi hám" chúng ta không nên nói với họ như vậy, họ đang thấy hạnh phúc mà mình nói là không được mà còn mang nghiệp vào mình. Cũng vậy, người chiến sĩ ở ngoài trận chiến sống với Tâm Nhận Thức của họ bình thường, nhưng con người mình mà thấy cảnh giết người máu chảy ra, mình nói đó là Tâm Nhận Thức quả bất thiện, mình không nói được. Thì đây là tất cả 7 tâm quả bất thiện này là vô nhân, nó không đặc trưng cho một trạng thái: tham, sân, si, nó chỉ là quả trổ sanh ra mà thôi, chính nó đang thừa hưởng, chúng sanh đó đang có đó và họ biết chính họ thôi mà mình không lên án được. Thứ hai, về Tâm Nhận Thức, với những người Phật tử nghe giáo pháp của Đức Phật hay gặp Đức Phật nói pháp, tâm họ hoan hỷ, họ cúi xuống đảnh lễ giáo pháp của Đức Phật, Tâm Nhận Thức của họ là quả thiện, thâu cảnh sắc Đức Phật mình hoan hỷ. Nhưng với người ngoại đạo, người theo tôn giáo khác họ nhìn thấy Đức Phật họ bất mãn, oan trái, không hoan hỷ, Tâm Nhận Thức của họ là quả bất thiện, nhìn thấy Đức Phật là họ nói không hoan hỉ, qúi Phật tử nhìn thấy Đức Phật mình hoan hỉ, nhưng mình không thể nói là họ sai mình đúng đứng trên quan kiến của mình, mình nói vậy cũng là không đúng. Đó là nhận thức khác nhau với quả của nó và nhân của nó, do nghiệp đưa đẩy đến như vậy mình không được nói điều đó, người ngoại đạo thì thấy Đức Phật không hoan hỷ, người Phật tử thì thấy Đức Phật với Tâm Nhận Thức hoan hỷ. Lại nữa, người ngoại đạo nghe giáo Pháp Đức Phật, Tâm Nhĩ Thức của họ không hoan hỉ, nhưng người Phật tử nghe giáo pháp Đức Phật hoan hỉ Tâm Nhĩ Thức là quả thiện, còn người kia quả bất thiện mình nghĩ như vậy là sai lầm, mình đứng trên quan kiến của mình mà nói như vậy là không đúng. Đó là nhận thức khác nhau với quả của nó và nhân của nó, do nghiệp đưa đẩy đến như vậy mình không được nói điều đó Người Việt Nam mở cửa ra khỏi nhà sáng sớm gặp người đàn ông đi ngang qua là hên gặp người đàn bà là sui vô đóng cửa lại, đó là quan kiến, kiến chấp, kiến thủ, cố chấp. Người Việt Nam mở cửa ra thấy đám cưới thì sui, thấy đám tang thì hên, đó là quan kiến. Rồi mở cửa hàng mà thấy vậy thì đốt phong lông, cái đó là tội lỗi, là giới cấm thủ, tà kiến, kiến chấp, sai lầm một cách rất là vô minh. Những điều đó khi mình học nhãn thức là quả, nhĩ thức là quả, mình thừa hưởng cái đó với cái nghiệp quả, nghiệp của quá khứ mình đã tạo ra mình cứ theo đó mà nó đâu có hưởng cảnh, nó chỉ là máy móc thâu cảnh mà thôi và nó không hưởng cảnh, nó chỉ biết cảnh sắc thôi, đẹp, xấu, tốt, hay, dở, nó không phân biệt nó chỉ thâu như cái máy chụp hình thôi. Nhưng, mình đặt cái đó một cái tôi thân kiến của mình tại đó hay một cái ngã mạn của mình tại đó, lúc đó mình đang tạo ra một cái nhân. Còn nếu qúi Phật tử biết như vậy, quả thật qúi Phật tử đang cắt cái nhân, cắt cái nghiệp, qúi Phật tử thấy như thấy, nghe như nghe, nếm như nếm, đó là Vipassana chúng ta đã học qua. Còn không thì cái duyên theo đó chúng ta tạo ra nữa, duyên theo đó chúng ta có nữa và chúng ta sẽ gặp lại nữa. Do đó, ở đây, cũng vậy, với Tâm Nhĩ Thức chúng ta nghe, nhưng mà cái nghe này là cái biết cảnh nghe mà thôi, Tâm Thiệt Thức biết cảnh vị mà thôi. Tâm Thân Thức biết cảnh xúc mà thôi. (Ở đây Sư sẽ giải thích thêm phần khổ). Với những tâm này tại sao gọi là xả, tại sao gọi là khổ. Với trạng thái nhãn tiếp xúc với cảnh sắc. Với Nhĩ tiếp xúc với cảnh thinh. Tỷ tiếp xúc với cảnh hơi. Thiệt tiếp xúc với cảnh vị. Là qúi Phật tử không đụng trực tiếp. Nhãn mà nhìn sắc phải có khoảng cách mới nhìn được, nếu qúi Phật tử để con mắt mình đụng vào cảnh sắc một cái "bốp" một cái sẽ không thấy gì, lúc đó là thân thức cảm thọ đau vì cú đụng mạnh chứ không còn là nhãn thức nữa, đó là Tâm Thân Thức thọ lãnh cảnh xúc khổ thọ, còn nhãn, nhĩ tỷ thiệt là thọ xả vì nó không có đụng chạm khi thâu lấy cảnh. Thí dụ như người ta mắng mình âm thanh chỉ như gió đưa vào tai mình nghe thôi chứ đâu đụng vô cái "bốp" một cái làm choáng váng, mà chỉ là lời nói như gió đưa vào tai mình. Do đó tất cả cảm xúc đó những sự tiếp xúc của, nhãn, nhĩ, tỷ,Thiệt, không có sự đụng trực tiếp nên là xả, nhưng thân ta thọ khổ là bắt cảnh xấu, do đó nó khác biệt nhau một chút đó thôi. Do đó, nhìn trong bảng nêu tất cả đều màu xanh nhưng mà tới thọ khổ thì nó màu đen, do đó nó khác nhau một chút thôi, còn dưới này là thọ lạc nó màu vàng, khi xưa Ngài Tịnh Sự để màu trắng nhưng bây giờ thành màu vàng. Bảng nêu chi pháp Vì có sự va chạm mạnh do đó có thọ khổ từ nơi quả bất thiện. Đức Phật Ngài cũng thọ khổ, trong Tương Ưng Bộ ghi Ngài đi trì bình khất thực đạp vào một viên đá làm rách chân của Ngài chảy máu, Ngài bước đến tảng đá ngồi xuống nói với Ananda "chân Như Lai nhức lắm", đó là Ngài thọ khổ, không có gì khác biệt Ngài với chúng ta về thọ khổ. Đã là Thân Thức mà quả bất thiện thì là cảnh khổ, không có riêng biệt. Trong 3 tháng cuối cùng Ngài sắp viên tịch Niết-bàn tại vườn Kusinara Ngài bị bịnh kiết lỵ, thân thức của Ngài thọ khổ, Ngài khát nước Ngài thọ khổ trạng thái khó chịu về thân đòi hỏi cái gì về nhu cầu cái đó qúi Phật tử sẽ thấy rõ như vậy không khác biệt, người ta bị bịnh kiết lỵ và Ngài bị bịnh kiết lỵ, hai cái đều giống nhau, nhưng mà khác nhau giữa tâm của Ngài và tâm của ta, tâm ta dính mắc cột trói vô đó phiền não khởi lên, còn tâm của Ngài buông bỏ do nhận thức Ngài nhận thấy điều đó. Còn mình đây không có mình tạo ra tiếp, khóc, la, cầu cứu, ta tạo ra tiếp, còn Ngài làm thinh Ngài quán xét thấy nhân nào quả đó, Ngài trả những gì Ngài có, cái đó khác nhau chỗ đó, còn khi thọ giống nhau cả. Khi qúi Phật tử uống nước trạng thái uống nước của mình và các Thánh nhân uống nước đều giống nhau nhưng tâm của các vị đó với mình khác nhau. Qúi Phật tử uống nước với trạng thái thích thú thưởng thức, còn các Ngài uống nước với trạng thái giải khát với tâm binh thản, điều đó khác biệt nhau. Thiền sinh: Thưa Sư, con thắc mắc lâu lắm rồi là bịnh kiết lỵ con không nói về tâm, con nói trường hợp mình bị kiết lỵ thì nếu mình đi bác sĩ, hoặc mình bị bịnh bao tử mình nghĩ nó là nghiệp thì mình có nên đi bác sĩ hay không, không đi bác sĩ thì sao mà đi bác sĩ thì có phải là mình tạo một nghiệp nữa? TT trả lời: Nếu Sư bịnh Sư sẽ đi bác sĩ nhờ chữa bịnh để giữ thân này mà truyền bá đạo. Không phải đi bác sĩ là mình tạo nghiệp mới, mỗi tác ý là quan trọng, cho nên với trạng thái bây giờ mình bị bịnh và mình là người Phật tử thuần thành có chánh tín và chánh kiến, khi bịnh mình nói cái thân này qúi lắm khó tìm được Phật Pháp mà giờ có bịnh phải lo chữa trị để hoàng pháp, chứ không chữa mình chết thì mất cơ hội, nghĩ như vậy mình phải lo đi bác sĩ chữa cho hết bịnh, chứ không bỏ qua mất thân này khó trở lại kiếm được, khó có dịp gặp Phật Pháp được khó tu tập được cái đó phải cố gắng đi liên tục. Đức Phật Ngài có một vị bác sĩ danh y tên Jivaka nổi tiếng chữa bịnh thời đó giống như Hoa Đà của bên Trung Hoa, một lần Ngài bị mủ trong xương vai tay của Ngài, Chư Tăng kiếm Ngài Jivaka đến chữa bịnh cho Ngài, lúc đó mủ đang lan qua thịt ăn vô xương của Ngài. vị lương y Jivaka đãnh lễ Đức Phật: - "Bạch rằng Ngài cho phép con dám mới làm", Đức Phật Ngài nói: - "Nên làm những gì cần làm cho Như Lai". - "Bạch Đức Thế Tôn mủ đã ăn vào xương bây giờ phải cạo ra". Đức Thế Tôn nói: - "Ngươi cứ làm cái gì cần cho Như Lai". Lương Y Jivaka đảnh lễ vì không dám xúc phạm thân Phật, nhưng Đức Phật cho phép rồi. Lương Y Jivaka cạo mủ từ xương vai của Đức Phật, không có thuốc tê hay thuốc mê Ngài cũng phải chữa. Ngày hôm nay mà Sư được biết có rất ít trên thế giới những Chư Tăng từ chối sự săn sóc và lo lắng của bác sĩ, điển hình là các Ngài cao tăng hiện nay ở bên Miến Điện không đón nhận bất cứ một người bác sĩ nào tới săn sóc khi bị bịnh, các Ngài cứ lấy Pháp, quán Pháp, hành Pháp, đối diện Pháp, nhìn tới nhân quả của nghiệp báo tiếp tục lo tu hành không gặp bác sĩ. Điểnn hình như Ngài Kudana. Ngài đã từ chối sự săn sóc của bác sĩ mấy năm trước rồi và Ngài vẫn tiếp tục sống cho đến ngày Ngài 93 tuổi mới mất năm ngoái tháng 12, Ngài không cần đến sự chăm sóc của bác sĩ. Đó là tâm của các vị đã đi tới một tầng đạo quả rồi Ngài mới dám đối diện với sự thật. Còn như mình thì không có, mình còn phải đi bác sĩ vì mình phải giữ thân này để hành đạo, vì thân này cao qúi khó được, gặp được Phật Pháp là khó do đó mình phải giữ gìn thân này. Chúng ta đi tiếp qua tâm thứ 6 Tâm Tiếp Thâu lấy cảnh, tâm này bắt đầu đem vô. Tâm Tiếp Thâu nằm kế sau Tâm Thân Thức thọ khổ, thâu lấy cảnh như người chuyển giao, ví dụ, qúi Phật tử đứng ở một vị trí trước mặt có một người rồi đằng sau qúi Phật tử có một người kế đó, người trước mặt truyền qua qúi Phật tử rồi qúi Phật tử truyền cho người đứng kế, qúi Phật tử là người tiếp thâu. Tâm nhận thức thâu lấy cảnh sắc đưa qua Tâm Tiếp Thâu truyền qua tâm kế nó, thì tâm này là tâm trung gian. Như vậy, Tâm Nhĩ Thức thâu cảnh thinh rồi truyền xuống Tâm Tiếp Thâu đưa qua một lộ trình tâm. Tâm Tỷ Thức thâu cảnh hơi rồi truyền xuống Tâm Tiếp Thâu đưa qua một lộ trình tâm khác nữa. Tâm Thiệt Thức nhận cảnh vị đưa qua Tâm Tiếp Thâu đưa qua một lộ trình tâm khác nữa. Tâm Thân Thức thọ cảnh khổ đưa qua Tâm Tiếp Thâu nhận lấy sự cảm xúc đó rồi đưa qua một tâm nối tiếp nữa. Do đó Tâm Tiếp Thâu là một tâm trung gian nằm với nhiệm vụ của nó là tiếp thâu lấy cảnh và truyền giao tâm nối tiếp, do đó nó là "Xả Thọ", nó không vui không buồn, làm một cách máy móc đến và đi, không phải của nó, nó chỉ là trạng thái chuyển giao, giống như một người đưa thơ, người ta gửi thơ hay gửi quà, người phát thơ nhận được đem giao cho qúi Phật tử, còn phần coi thơ hay coi món quà mà người ta gửi đến mình, mình vui mình buồn, thích hay không thích là cảm thọ của mình, nhưng người phát thơ chỉ làm nhiệm vụ giao hàng thôi, không vui không buồn trong đó. Tâm thứ 7 là Tâm Thẩm Tấn là tâm xét soi, dòm ngó, nhận xét, thấy cảnh thì soi xét, nhưng không quyết định, cái này tốt hay xấu nó không soi xét nên gọi là Tâm Thẩm Tấn. Nó chưa đến trạng thái tâm đoán định mới là tâm nhận lấy cảnh Mình học lộ trình tâm qúi Phật tử mới thấy được hình Lộ Trình Tâm Thứ Nhất là Tâm Khai Ngũ Môn là tâm mở cửa lộ ngũ nhãn nhĩ tỷ thiệt. Thứ hai là Tâm Nhận Thức. Thứ ba là Tâm Tiếp Thâu. là tâm chuyển qua. Thứ tư là Tâm Thẩm Tấn tức là nhận xét cảnh. Thứ năm là Tâm Đoán Định, tâm này là tâm quyết định giao lại cho ai, Lúc đó 7 tâm tiếp theo là Tâm Đổng Lực là những tâm này thọ hưởng cảnh. Thí dụ: 1) Người gác cửa là Tâm Khai Ngũ Môn (thứ nhất), bệnh nhân tới bệnh viện hay tới văn phòng bác sĩ gặp người gác cửa (Tâm Khai Ngũ Môn), 2) Rồi vô Tâm Nhận Thức (thứ hai) là người nhận vô là thấy người bệnh nhân, 3) Làm thủ tục giấy tờ là qua bộ môn chuyên môn người đó tiếp thâu bệnh nhân vô (Tâm Tiếp Thâu) (thứ ba), 4) Đến phần định bệnh là (thứ tư) Tâm Thẩm Tấn 5) Rồi chuyền qua người đoán định (Tâm Đoán Định) (thứ năm) gửi người bệnh nhân đó đến khâu chuyên nghiệp 6) Là 7 Tâm Đổng Lực là khâu chuyên nghiệp (Tâm Đổng Lực). Thì tâm thứ ba chỉ là Tiếp Thâu, đến cái thứ tư là Thẩm Tấn (xem xét), đến cái thứ năm là Đoán Định, rồi mới đến 7 tâm Đổng Lực là giải quyết bệnh nhân. Phải thấy rõ Tâm Thẩm Tấn là tâm lúc đó đang dòm ngó xem xét cảnh thôi chứ chưa quyết định được, rồi qua Tâm Đoán Định biết rằng là bịnh nặng, bịnh nhẹ, tốt hay xấu, bệnh nhiều hay ít, hay bệnh này là bệnh gì rồi mới đưa qua khâu chuyên môn để chữa bệnh đó, thì lúc đó Tâm Đoán Định là phần cuối cùng cắt đứt lộ trình đang thâu cảnh vô và bắt đầu qua Tâm Đổng Lực này là tâm thụ hưởng cảnh, giải quyết cảnh, lúc đó tham sân si hiện bày lên, còn những trạng thái từ tâm Khai Ngũ Môn cho đến Tâm Đoán Định chỉ là trạng thái máy móc thấy cảnh đưa cảnh vô. Khi học qua lộ trình tâm thì chúng ta sẽ thấy được chức năng tại 7 Tâm Đổng Lực: - Với sát na thứ nhất là hiện báo nghiệp tạo ra, - Với sát na thứ bảy là hậu báo nghiệp. - Với sát na thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu là hậu hậu báo nghiệp từ nay cho tới ngày đắc đạo quả Vô Sanh Niết-bàn vẫn còn trả nghiệp. Giống như thân bệnh kiết lỵ của Đức Phật rượt đuổi Ngài cho tới ngày Ngài Vô Sanh Niết-bàn gọi là hậu hậu báo nghiệp. Do đó, lúc bấy giờ tâm mình tạo ra nghiệp và lúc bấy giờ 7 Tâm Đổng Lực này là tâm thụ hưởng cảnh gọi là Javana (Tâm Đổng Lực hay còn gọi là Tâm Tốc Hành) nó hiện bày tham, sân, si hay là vô tham, vô sân, vô si, lúc đó là nó đang có những tính chất của những nhân tác động. Còn những phần từ Tâm Khai Ngũ Môn, Tâm Nhận Thức, Tâm Tiếp Thâu, Tâm Thẩm Tấn, Tâm Đoán Định là Tâm Vô Nhân Tâm Khai Ngũ Môn, Tâm Đoán Định là Tâm Khai Ngũ Môn thưộc tâm vô nhân chỉ do cảnh còn vô phần đổng lực từ 1 cho tới 7 sát na tâm đổng lực này vừa là tâm thiện vừa là tâm bất thiện tại nơi đây hiện bày một cái Chí Thượng Nhân. Chí Thượng Nhân tạo ra nghiệp bất thiện, tạo ra nghiệp thiện bởi chi phối bởi một Phổ Thông Nhân. Phổ Thông Nhân do bởi vô minh lúc bấy giờ tâm thức chạy theo cảnh, hay là lúc đó chúng ta bị tác động bởi nhân nhân vậy tâm này là tâm hữu nhân. Bữa nay chúng ta học được 7 tâm này là 7 tâm quả bất thiện vô nhân. Tâm Nhận Thức đây là kết quả từ một loại tâm tạo tác nghiệp báo, do đó hôm nay qúi Phật tử có con mắt nhìn thấy cảnh sắc. Tâm Nhĩ Thức là tâm kết quả do hành động nghiệp báo mà qúi Phật tử đã tạo ra trong quá khứ hôm nay qúi Phật tử có tâm nhĩ thức thâu âm thanh này. Từ đó những cái mà qúi Phật tử nhận thức như vậy được đó qúi Phật tử sẽ cắt bớt những cái hệ lụy tâm thức qúi Phật tử dựa theo đó mà vui hay buồn, nó chỉ là thâu cảnh sắc mà thôi, nó chỉ là nghe âm thanh mà thôi, còn sau đó là qúi Phật tử mới nói đến Tâm Đổng Lực. Nhưng, nếu qúi Phật tử biết là như vậy, nghe như nghe, thấy như thấy, ngửi như ngửi, nếm như nếm. Qua cái học hôm nay qúi Phật tử có một Pháp Hành rồi. Qúi Phật tử đang ngồi thiền mà qúi Phật tử còn mở mắt ra nhìn cái gì đó là quả. Qúi Phật tử đang ngồi thiền mà đúng luật ngồi thiền là phải nhắm mắt nhưng cái gì đó khiến qúi Phật tử mở mắt ra tâm qúi Phật tử giữ không được, mắt nhìn thấy là quả từ một tác nhân có thúc đẩy (Sư chưa nói tốt hay xấu) là qúi Phật tử phải mở mắt ra với cái quả gì đó đang hiện bày. Qúi Phật tử đang ngồi thiền mà qúi Phật tử nghe, qúi Phật tử phải lắng tai để nghe ai nói gì đây, cái đó là cái quả làm qúi Phật tử phải tiếp tục lắng nghe nó lại tạo ra một nghiệp báo nữa. Còn nếu qúi Phật tử nói ngồi thiền mà không nghe thì đó là cắt bớt nghiệp, còn nếu mà ngồi thiền mà phải nghe qúi Phật tử tạo ra nghiệp thâu vào. Tỷ thức cũng vậy ngồi thiền không có ngửi mùi, mà mình ngửi được mùi là cái nghiệp của mình đang đến. Vị thức cũng vậy, ngồi thiền không nếm vị, mà mình ngồi thiền mình nếm vị là khỏi ngồi thiền. © Minh Hạnh / phathocvandao Mục Lục
|