patthana.com sannhien.com.au daiphatthu.com


Tài liệu tải từ trang Phật Học Vấn Đạo. Xin tri ân đạo hữu Minh Hạnh ghi chép.
[Mục Lục]

12 Tâm Bất Thiện


Chúng ta đã học xong 12 tâm bất thiện, hôm nay ôn lại trước khi qua phần mới. Trong 12 tâm bất thiện có: 8 tâm tham, 2 tâm sân, 2 tâm si. Nền tảng của tâm bất thiện gồm 3 gốc là: gốc tham, gốc sân, gốc si nên gọi là bất thiện. Khi ta nói tâm bất thiện là tâm kết hợp với thành phần tham, thành phần sân, thành phần si, nó ra bất thiện.

Tâm bất thiện cho, quả không tốt đẹp, quả không an vui, nó chỉ cho quả khổ đau mà thôi. Do đó 12 tâm bất thiện chúng ta đã học qua thấy nó chia ra những loại:

- Tâm Tham có câu hành hỷ và xả

- Tâm Sân thì có ưu

- Tâm Si thì chỉ có xả thọ.

Giải Thích về Câu Hành

Trong tâm tham có khi ta thản nhiên, thí dụ, lần đầu tiên ăn cắp được thì ta mừng, nhưng ăn cắp hoài quen rồi thì thấy thường, tâm lý lúc đó là thản nhiên chứ không còn háo hức hay hăm hở vui vẻ vui thích nữa, vì ta quen rồi, lúc đó là "Tâm Tham có câu hành xả".

Còn tâm sân thì cảm thọ của mình lúc nào cũng bất toại nguyện buồn phiền không vui thích được, đó là "Tâm sân có câu hành ưu".

Tâm si là không có sự sáng suốt, trạng thái mê mờ, do đó tâm vị đó thản nhiên giống như nguội lạnh gọi là "Tâm si câu hành xả".

Với góc độ người có tu tập thì "xả" này khác với góc độ người không tu tập.

Một người mới bắt đầu tu tập với năng lực tu họ có trạng thái vui thích thoải mái. Nhưng khi tu tập tới trình độ cao "hỷ" của họ bắt đầu hết, họ chỉ giữ tâm quân bình, bình lặng với pháp đến, họ không có trạng thái trồi sụt lên xuống nữa, nên ở góc độ đó trạng thái "hỷ" là thô thiển, trạng thái "xả" lúc bấy giờ là trạng thái cao siêu. Đối với Đức Phật nhìn pháp lúc nào Ngài cũng giữ tâm "xả" quân bình, Ngài không dùng tâm "hỷ" với các pháp, đối với chúng ta, thí dụ như qúi Phật tử tu mà đắc được đạo quả hay đắc thiền, tâm qúi Phật tử phút giây đó mừng lắm, nhưng sau khi qúi Phật tử được hưởng nhiều lần như vậy tâm qúi Phật tử bắt đầu đi tới trạng thái vi tế "xả thọ", hình thức đó cao qúi.

Những hạng phàm phu không tu tập, tâm họ si mê không có trạng thái "hỷ thọ", họ chỉ có "xả thọ", lúc đó tâm họ muội lượt yếu đuối không có hưng phấn, họ ở trong trạng thái như không hay biết gì cả, thì đó là "xả thọ" của hàng phàm phu thô thiển.

Chúng ta không thể nào so sánh cảm "thọ xả" của người cao qúi họ tu tập ở trình độ cao mà họ đạt đến và, trạng thái thô thiển của người phàm phu với góc độ tâm si mê không biết gì hết, vì nó khác nhau hoàn toàn.

Một người đãng trí hay người mất trí, những việc đến với họ, họ không có gì vui, họ ở trạng thái lờ đờ không suy nghĩ sáng suốt, họ không phán quyết, không sắp xếp được, tâm của họ là tâm "xả thọ" mà mình không thể nói trạng thái đó như "xả thọ" của Đức Phật, hoàn toàn khác.

Do đó, ở đây Sư nhấn mạnh ở điểm này để các qúi Phật tử hiểu những trạng thái "xả" cao qúi là một quá trình tu tập tinh vi các vị cao siêu mới đạt được. Còn trạng thái "xả" thuộc về tâm si là trạng thái thô thiển thiếu lý trí và không hiểu biết. Như vậy 2 trạng thái "xả" khác nhau, qúi Phật tử đừng đem cảm thọ này so sánh với cảm thọ kia, hai cái khác nhau cùng mang tên là "xả thọ" nhưng cảm giác khác biệt nhau.

Đó là chúng ta nói về Câu Hành.

Bây giờ nói trạng thái Tương Ưng.

Trạng thái Tương Ưng, chúng ta thấy là tâm tham có trạng thái Tương Ưng Tà Kiến là thấy sai, trách lầm và, còn không thì lúc bấy giờ nếu họ không có tà kiến thì trạng thái của họ là ngã mạn. Hai pháp này như hai con sư tử không ở chung một cánh rừng, tà kiến không đi đôi với ngã mạn và ngã mạn không đi đôi với tà kiến.

Tà kiến là nhìn ra ngoài.

Ngã mạn là nhìn vô chính mình.

Khi qúi Phật tử nhìn ra ngoài thấy; anh đẹp, tôi xấu, chị cao, tôi thấp, đó là tà kiến, lúc nào cũng nhìn ra trạng thái so sánh như vậy, rồi, anh đúng, tôi sai, nhìn như vậy là tà kiến.

Thường kiến và đoạn kiến. Có những người cố chấp nghĩ rằng sau khi chết họ không có tục sinh, họ cho rằng sau khi chết là hết không có gì cả, kiếp sống này họ tận hưởng những gì họ làm được thì họ làm và, họ nghĩ rằng không có hậu quả của kiếp sống sau đi tục sinh, họ hái cái quả báo đó, gọi là đoạn kiến. Nhưng, nếu lúc đó mình nói với họ là họ đã sai, là họ cố chấp và sai lầm, chánh kiến họ có thể sửa được nhưng ngã mạn họ chưa bỏ được, cái "tôi" cái "ta" của họ vẫn còn.

Có hai hình thức: Khi ta nói tâm tham nếu như tâm tương ưng với ta kiến, như trường hợp Tâm Tham Câu Hành Hỷ Tương Ưng Kiến, lúc đó là họ có tà kiến và ngã mạn.

Còn khi nói, Tâm Tham Câu Hành Hỷ Bất Tương Ưng Kiến là, lúc đó họ không có tà kiến mà họ có ngã mạn.

Do đó khi mình nói tâm tham hai trường hợp đó xảy ra, họ biết họ ăn cắp là sai là xấu là không tốt đó là họ bất tương ưng kiến.

Có những người ăn cắp họ không thấy đó là tội lỗi, đó là tà kiến, họ thấy sai họ không muốn sửa. Chẳng hạn, thấy một cây viết rớt không biết của ai, thì mình muốn lấy thì phải hỏi xung quanh coi ai là người chủ cây viết này nhưng mà mình không có hỏi, mình cứ lấy mà mình nghĩ cái vật rơi không có chủ thành ra lấy không có tội, mình lấy cây viết đó là mình nghĩ đó là sai, vật nào cũng có chủ nhưng bị đánh rơi hay họ làm mất, chúng ta phải hỏi chứ không thể nào nói đó là vật không chủ. Một người làm sai mình nói "anh sai rồi phải sửa lại", thì họ nói "tôi không sai gì cả kệ tui", lúc đó là họ không có tà kiến mà họ đưa bản ngã của họ lên "Iôi không sai gì cả, anh đừng sửa lưng tôi, đừng có sửa sai tôi, anh như vậy là không đúng" lúc đó họ không có tà kiến, như mình lượm cây viết cho rằng không lỗi mà lúc đó là ngã mạn với người đang đối thoại với họ. Hai hình thức đó khác biệt nhau.

Tâm tham luôn luôn có khuể phẫn, chúng ta gọi là bất toại nguyện, tiếng Pali là paṭigha, Ngài Tịnh Sự dịch là khuể phẫn, chúng ta gọi là bất toại nguyện, trái ý nghịch lòng. Khi có tâm sân cảm thọ là ưu là buồn phiền không hoan hỉ, nhưng lúc đó tâm qúi Phật tử đang thể hiện một trạng thái trái ý nghịch lòng rồi mới sân. Chẳng hạn như bây giờ mình muốn đi chơi mà thấy trời mưa đổ xuống mình bất toại nguyện vì đi chơi như vậy mất vui thì lúc đó tâm cảm thọ buồn, xui quá đi ra gặp trời mưa, nói vậy, thì ưu thọ nó có nhưng tâm của mình đang gắng bó với một trạng thái tâm ý bất toại nguyện không thích cái đó, với ta thì trời phải nắng tốt thì đi chơi mới vui vẻ, đó là khuể phẫn bất toại nguyện

Qua tâm si, thì si kết hợp với hoài nghi, với phóng dật.

Si mê, si là mê mờ tối tăm, mù mịt không sáng suốt, con người luôn luôn có trạng thái lưỡng lự, hoài nghi, thắc mắc, không tin tưởng. Trạng thái si mê lúc nào họ cũng có trạng thái nghi ngờ lưỡng lự. Người chồng với người vợ sống với nhau mà không có niềm tin, hay một trong hai người mà bước ra người kia có sự nghi ngờ. Nghi ngờ là tại vì si mê không sáng suốt không biết người ta đi đâu, cứ đi ra là nghi, đó là trạng thái hoài nghi, gốc của họ là mê mờ, họ không biết pháp gì đang hiện bày, chính cái đó họ đang ở góc độ mê mờ tối tăm kết hợp với trạng thái nghi ngờ lưỡng lự phân vân thắc mắc.

Trạng thái si mê kết hợp với trạng thái phóng dật, giống như người đi trong ban đêm tối thấy khúc gỗ nằm ngang đường nhìn không thấy rõ tưởng đó là con rắn, thì đó là si mê, tại không thấy đường, nếu có ánh đèn hay có ánh sáng họ nhìn xuống thấy đó là cây gỗ chứ không phải con rằn thì họ không bị giựt mình phóng dật, trạng thái phóng dật là giựt mình lo lắng.

Cũng như vậy, ở góc độ vi tế hơn, qúi Phật tử ngồi tại nhà nghe một tin gì bất thường, tin không lành đến với thân quyến của mình thì tâm qúi Phật tử bị phóng dật lo lắng không biết người đó ra sao, tim mình đánh loạn xạ, đó là tâm qúi Phật tử đang ở trạng thái si phóng dật, tại vì qúi Phật tử không biết nó ra sao, trạng thái của si, tâm của qúi Phật tử lúc đó phóng dật hồi hộp lo lắng, như vậy cũng là trạng thái si phóng dật.

Cũng như vậy, với góc độ của người hành giả ngồi thiền mà trạng thái; tê, nhức, mỏi, đau, đến mà qúi Phật tử không kềm chế được, tâm qúi Phật tử bấn loạn lên không biết vì sao. Lúc đó tâm qúi vị đang bị phóng dật, tâm không ở trạng thái theo dõi hiện tượng của pháp, hay theo dõi hiện tượng của sắc, hay hiện tượng của danh, nhưng lúc đó tâm qúi Phật tử hoảng hốt vì đau quá vì tê quá mỏi quá làm tâm qúi Phật tử phóng dật, lo sợ đó cũng là trạng thái vì không biết con đường mình đi có đúng hay sai. Hành thiền như vậy có trúng hay sai, do đó lúc đó tâm mình có những hiện tượng đó và cũng chưa có kinh nghiệm thì tâm của hành giả lúc đó dễ dàng phóng dật, phóng dật đó cũng đồng nghĩa với trạng thái của một người si mê không hiểu biết sáng suốt với đối tượng hay không hiểu biết mọi sự việc. Cũng như vậy với người hành giả mà chưa có kinh nghiệm mà thấy những trường hợp bất thường đến với ta mà không có liễu tri và không sáng suốt được, tâm của vị hành giả cũng phóng dật lúc đó với trạng thái của sự si mê.

Vậy thì, khi qúi Phật tử đang ngồi thiền mà tâm phóng dật là qúi Phật tử đang có một bất thiện, qúi Phật tử kết hợp cái đó một góc độ với một sự si mê tác động, và khi đó qúi Phật tử không hiểu được thì qúi Phật tử mất đi điểm tựa, qúi Phật tử khởi lên tham muốn xả thiền và "sân" vì không muốn thiền. Thì trạng thái đó cho qúi Phật tử quả không an vui, trạng thái mờ mịt không được tốt đẹp, chỉ có sự khổ đau khó chịu mà thôi.

Trạng thái hiện bày của những tâm bất thiện, có tâm hiện bày Vô Dẫn, có tâm hiện bày Hữu Dẫn, như:

- Tâm tham vừa có Vô Dẫn và vừa có Hữu Dẫn.

- Tâm Sân cũng giống như vậy cũng có Vô Dẫn và Hữu Dẫn.

- Tâm Si không nói tới trạng thái Hữu Dẫn, và nó chỉ có trạng thái một cách rất mau lẹ, pháp hiện bày liền.

Do đó, 12 tâm bất thiện này thì có 5 tâm Hữu Dẫn và 7 tâm Vô Dẫn để hiện bày những trạng thái không được trong sạch hay là bất thiện không được an vui.

Chúng ta đã học qua 12 tâm bất thiện, có những kinh Tạng hay trong những bài kinh điển chúng ta được nghe khi Đức Phật nói người này chỉ sài những tâm bất thiện, qúi Phật tử lắng nghe lúc đó qúi Phật tử sẽ thấy họ đang sài những loại tâm nào trong 12 tâm bất thiện này, và chúng ta cũng còn biết được không có sai trật khi ta nắm vững là tâm bất thiện căn gốc của nó là từ si, do si sinh ra tham, do si sanh ra sân.

Chúng ta nhìn vô góc độ tham, khi qúi Phật tử dính vô tham căn gốc của nó trạng thái si này có tác động hay không, chúng ta thấy thế gian này không thường tồn, có sanh có diệt, có đó rồi mất đó, con người sinh ra rồi phải ra đi theo định luật Vô Thường, không sai trật đó là thường duyên.

Nhưng con người muốn thấy điều đó chúng ta cứ dính vô mỗi một việc ta theo nó, bản chất của con người sinh ra từ đứa bé rồi lớn lên được hình thành sự cấu trúc kết tạo do tâm thức con người phải gìn giữ. Một đứa bé cái gì nó cũng muốn hết, những cái muốn của nó được đáp ứng từ những người thân của nó, thì nó nuôi dưỡng đó bởi tính chất là sự đeo níu bám giữ lấy có tham có sân, và khi nó không được như ý thì tâm lý của nó hiện bày trạng thái bất toại nguyện, chống phá rồi đập đổ, phá hủy, sự sân hiện bày, tại nơi đó nó không thấy được thực tướng bản chất của tam tướng Vô Thường, Khổ, Vô Ngã chi phối, bởi đó mà nó hiện bày cái tâm tham hoặc tâm sân, lúc đó là nó đang có trạng thái "Si" dẫn dắt dính mắc vào trong tâm tham.

Dính mắc trong chiếc xe thì khổ vì xe, dính mắc việc nhà là khổ vì nhà, dính vào một người thân chúng ta khổ vì người thân, khổ do chính mình chứ không phải người thân làm cho mình khổ, tại vì đeo níu.

Vậy thì, khi qúi Phật tử thấy được tất cả sự vật theo như thực tướng của nó đang có, thí dụ như qúi Phật tử thấy cứ đeo níu người mẹ người cha, nhưng người mẹ người cha cũng phải ra đi, nhưng mình cứ đeo níu người mẹ người cha phải sống với mình, vì tham ta đeo níu nhưng thật ra vì cái si của mình đang có phóng dật sợ hãi người cha người mẹ bỏ mình, lúc đó là tâm ta đang si phóng dật.

Thứ hai nữa là, mình có một sự nghi ngờ là thế gian này không được đáp ứng như ý mình đòi hỏi đó là Si hoài nghi, qúi Phật tử sống ở trong thế gian này những cái gì qúi Phật tử đang có, qúi Phật tử không bao giờ có một niềm tin về con đường chúng ta thoát ra được hay là chúng ta phải ở trong đó là lúc đó qúi Phật tử đang ở trong trạng thái si. Khi chúng ta nói trạng thái si phóng dật là lúc nào chúng ta cũng phóng dật lo sợ, khi thấy một người thân ra đi ở trong tâm ta bắt đầu si phóng dật sanh lên và chúng ta đau khổ đeo níu, lúc đó si hoài nghi tiếp nối theo đó chúng ta nói rằng "Thế thì ở đời ai cũng bỏ ta đi hết, như vậy tất cả mọi điều đều sụp đổ không có gì bền vững sao?" Họ không thấy được sự thật chính đó họ đang bị che lấp bởi si, đeo níu bởi cái tham, và họ bất toại nguyện với những cái gì đang đeo níu.

Do đó, tâm bất thiện nó được hình thành từ trạng thái si đeo níu hình thành tham rồi sân.

Chúng ta học tâm bất thiện chúng ta sẽ thấy căn bản và tội lỗi và rất nhiều khổ đau của người có tâm si, từ tâm si hiện bày ra tất cả. Những người có tâm sáng suốt không còn tham không còn sân nữa, còn những người không sáng suốt cái gì họ cũng đeo níu bám giữ lấy để họ nghĩ rằng là cái "tôi", họ có, họ bám víu không để mất. Thì đó là họ bị si.

Do đó. Trong 12 tâm bất thiện này, tâm nào tội nhất, tâm nào nặng nhất, tâm nào xấu nhất, tâm nào chịu khổ đau nhất, đó là hai tâm si. Rồi tâm nào tham nặng nhất, tâm sân nào nặng nhất, thì tùy theo mọi hành động nữa lúc đó ta mới nói ra được.

Khi ta hiểu được như vậy là ta qua được 12 tâm bất thiện.

© Minh Hạnh / phathocvandao


Mục Lục

Phật Học Vấn Đạo
  1. Pháp Học và Pháp hành, Tổng Hợp Nội Dung Vô Tỷ Pháp
  2. Ứng dụng Pháp Siêu Lý trong Thiền
  3. Cảnh của Trí Tuệ Cao Siêu
  4. Pháp Siêu Lý
  5. Tâm Siêu Lý
  6. Tâm Dục Giới
  7. Tâm Dục Giới
  8. Tâm Bất Thiện
  9. Tâm Tham
  10. Pháp Độ Ba-la-mật
  11. Pháp Độ Trí Tuệ Balamật
  12. Tinh Tấn độ
  13. Chân Thật Độ
  14. Pháp Độ Từ Ái Ba-la-mật
  15. Pháp Độ Hành Xả Ba-la-mật
  16. Tâm Sân
  17. Tâm Si
  18. 12 Tâm Bất Thiện
  19. Tâm Vô Nhân
  20. Tâm Nhận Thức
  21. Trình Pháp
  22. Tâm Vô Nhân 2
  23. 3 loại Tâm Vô Nhân
  24. Ý Giới và Ý Thức Giới
  25. Tâm Tiếp Thâu và Tâm Thẩm Tấn
  26. Tâm Duy Tác Vô Nhân
  27. Khai Ý Môn
  28. Tâm Đại Thiện
  29. Tâm Thiện
  30. Thập Phúc Hành Tông
  31. Tâm Thiện Thiền Sắc Giới
  32. Phần Vấn Đạo - Vi Diệu Pháp

sannhien.com.au