patthana.com sannhien.com.au daiphatthu.com


Tài liệu tải từ trang Phật Học Vấn Đạo. Xin tri ân đạo hữu Minh Hạnh ghi chép.
[Mục Lục]

Tâm Tham


Bốn tâm tham đã học trong tuần trước:

1) Tâm tham câu hành hỉ tương ưng với tà kiến vô dẫn - tội nặng nhất

2) Tâm tham câu hành hỉ tương ưng với tà kiến hữu dẫn - tội nặng nhẹ hơn một chút

3) Tâm tham câu hành hỉ bất tương ưng với tà kiến vô dẫn - tội nặng nhẹ hơn một chút nữa

4) Tâm tham câu hành hỉ bất tương ưng với tà kiến hữu dẫn - tội nhẹ nhất

Hôm nay chúng ta học tiếp phần 8 tâm tham. Sư được nghe một số qúi Phật tử bị khó khăn về thí dụ 8 tâm tham chưa kịp hiểu thì hôm nay Sư ôn lại cho qúi Phật tử nghe.

Tám tâm tham Sư muốn nhắc qúi Phật tử đầu tiên là

1) Câu Hành Hỉ Tương Ưng với Tà Kiến Vô Dẫn.

Chữ vô dẫn là trạng thái một cách mau lẹ không có sự dẫn dắt, không có sự thúc dục thúc đẩy của ta hay của người.

Còn chữ Hữu Dẫn là người thúc dục ta, và khi ta trạng thái muốn làm cái gì đó mà đắn đo, suy nghĩ, chần chừ, lưỡng lự, đó là Hũu Dẫn.

Thí dụ:

- Một cách mau lẹ đứa bé ăn cắp một trái xoài và nghĩ rằng việc làm đó không có tội.

Đó là tâm tham thứ nhất thí dụ như vậy. Thì chúng ta sẽ thấy ở đây, Câu Hành Hỉ là việc tham của mình cùng một lúc với việc tham của mình là có sự hoan hỉ thỏa thích, đó là Câu Hành Hỉ.

Có hai trạng thái tham dính mắc, có trạng thái tham dính mắc với sự hoan hỉ và có trạng thái dính mắc nhưng trong sự thản nhiên bình thản một cách rất bình thường không có gì bị lôi cuốn ham muốn hấp dẫn trong đó là Xả Thọ và Hỉ Thọ,

Chữ Tương Ưng với Tà Kiến, chữ Tà Kiến tiếng Pali là Micchā-diṭṭhi,

Tà Kiến là thấy sai,

Kiến là thấy

Tà là sai,

Sự thấy sai chấp lầm gọi là tà kiến.

Thí dụ: Một cách mau lẹ đứa bé ăn cắp một trái xoài và nghĩ rằng việc làm đó không có tội

- ăn cắp là tham (tham là dính mắc vào đó)

- một trái xoài là đối tượng của tâm tham

- và nghĩ rằng việc làm đó không có tội (không có tội là tà kiến)

Qúi Phật tử ăn cắp một việc nào người ta không cho mà mình nghĩ không có tội, đó là nghĩ sai. Đứa bé nghĩ nó là đứa con nít ăn cắp không có tội, nhưng dù nhỏ hay lớn, dù trẻ hay già khi ăn cắp những thứ không được cho là có tội. Nhưng đứa bé này nghĩ việc ăn cắp của nó không có tội, trạng thái này là tà kiến.

Nên thí dụ này để giải thích cái tâm tham thứ nhất là Câu Hành Hỉ Tương Ưng với Tà Kiến Vô Dẫn

Chúng ta có thể dùng một thí dụ khác.

Một người Phật tử vào chùa lấy một trái xoài không xin phép thầy trụ trì nghĩ rằng việc làm đó không có tội.

Phật tử đến chùa lấy một vật dụng gì là phải được sự đồng ý hay sự cho phép của người trông coi, nếu không có sự đồng ý hay sự cho phép, qúi Phật tử lấy cái nào thì phạm tội cái đó là vì lấy của Tam Bảo, nhưng người Phật tử nghĩ rằng là họ là người Phật tử, thậm chí có người nói họ là người Phật tử lâu năm của chùa này, thậm chí họ là người gầy dựng ngôi chùa này họ nghĩ rằng họ có quyền lấy nhưng điều đó vẫn là sai lầm trong kiến chấp hay là tà kiến, cho dù là một cái đinh hay là một miếng bánh hay một trái cây ở trong chùa nếu của Tam Bảo muốn lấy phải có sự đồng ý của người quản lý ngôi chùa.

Do đó, nhiều người nghĩ của chùa lấy không có tội, đó gọi là tà kiến.

2) Câu Hành Hỉ Tương Ưng với Tà Kiến Hữu Dẫn

Là sự tham muốn với sự vui thích và thấy sai trách lầm có sự thúc dục của ta hay của người.

Đắn đo suy nghĩ một thời gian đứa bé hoan hỉ lấy cắp một trái xoài và nghĩ rằng việc làm đó không có tội.

Tâm đắn đo suy nghĩ là hữu dẫn, sự thúc dục của ta, trợ duyên cho ta, lôi kéo ta, thúc đẩy ta, là hữu dẫn.

Chữ đắn đo suy nghĩ là hữu dẫn.

Hồi xưa dùng chữ Vô Trợ sau này đổi là Vô Dẫn,

Hồi xưa là Hữu Trợ sau này là Hữu Dẫn.

Trợ là trợ giúp, dẫn là sự dẫn dắt, thúc đẩy, lôi kéo.

3) Câu Hành Hỉ Bất Tương Ưng với Tà Kiến Vô Dẫn

Thí dụ: Một cách mau lẹ đứa bé ăn cắp một trái xoài vui mừng thoả thích và nghĩ rằng việc làm đó là xấu xa tội lỗi.

Câu này đứa bé nghĩ có tội, có nghĩa là nó không sai nhưng đói quá nên nó ăn cắp.

Trạng thái câu 3 với trạng thái câu 2 khác nhau, cũng một cách mau lẹ nhưng câu 2 nó nghĩ không tội, còn câu 3 nó nghĩ xấu xa tội lỗi.

Trong Nhị Thập Tứ Hiếu có 24 câu chuyện về lòng hiếu thảo. Trong đó có câu chuyện của Mạnh Tông ngoài trời mùa đông tuyết giá lạnh đã nằm ủ lên bụt măng để măng lên rồi hái vào nấu bát canh măng cho mẹ ăn. Còn có câu chuyện của Lục Tích, được vua đãi tiệc ăn xong thấy trái quít ngon bỏ trong tay áo 2 trái quít để đem về cho mẹ ăn, rồi khi đảnh lễ ông vua ra về 2 trái qúit rớt ra từ tay áo, vị vua phán "nhà ngươi đã ăn rồi chưa no sao mà còn lấy trái quít đem về". Lục Tích nói không phải đem về ăn nữa mà đem về cho mẹ, vua hoan hỉ tha tội chết vì thấy Lục Tích có hiếu chứ không là tội khinh quân.

Hồi xưa chúng ta nghe như vậy đó, nhưng nói như vậy chỉ là biện minh cho việc làm là không tội.

Thật ra trong pháp môn luật về trộm cắp có 5 chi:

1) Vật có chủ, (parapariggahitaṃ).

2) Biết vật có chủ (parapariggahitasaññitā).

3) Khởi tâm muốn ăn cắp (theyyacittaṃ).

4) Cố gắng trộm cắp (payogo).

5) Lấy được của cải ấy do sự cố gắng (avahāro).

Phạm 1 trong 5 chi trộm cắp là bị đứt giới trộm cắp. Cho dù lý do này lý do gì đi nữa cũng là sự biện minh nhưng giới chúng ta đã bị đứt trong việc làm đó, chúng ta càng biện minh mình không có tội thì ta còn thêm tà kiến.

Do đó, một số qúi Phật tử sống trong tâm từ có tình thương chúng sanh tuy nhiên họ thiếu trí tuệ, có những lúc họ dùng những ngôn từ lời nói sai trật với sự thật để cứu một người khác, nghĩ rằng việc làm đó là đem lòng thương cứu một người đang gặp khó khăn, nghĩ rằng mình không phạm tội nói dối. Thật ra, vẫn bị phạm vào tà kiến vì mình thiếu trí tuệ, mình đã dùng ngôn từ không chơn thành để uốn nắn sự thật đó qua vấn đề khác làm cho người ta đỡ lo, nhưng thực ra trong đó mình chịu lấy trách nhiệm này.

Do đó Đức Phật Ngài nói có hai loại chúng ta luôn luôn nhớ là:

Saccavādī - là chơn ngôn - lời nói chân thật

Saccakiriya - là chơn hạnh - hành động chân thật

Hai cái này có năng lực phi thường, đem lại cho ta nhiều lợi lạc, khi ta dùng lời nói không thật hay hành động không thật chúng ta không có năng lực, ngay trước mắt là tâm ta hoảng hốt lo sợ vì chúng ta không có bảo chứng một sự thật.

Ở đây, Bất Tương Ưng với Tà Kiến và trạng thái Tương Ưng với Tà Kiến khác nhau ở chỗ đó.

Có những người họ nghĩ rằng không tội.

Nhưng có người họ hiểu rõ họ biết đây là có tội nhưng hoàn cảnh của họ không làm thay đổi họ được thì họ phải nhúng vào. Có những người chịu lỗi lầm với chúng sanh khác để cứu một chúng sanh nào đó, nhưng họ biết đây là tội thì họ phải chọn đó là trạng thái đa phần người ta gọi là hàng Bồ Tát.

Đứng trước một màn lưới nhện, có con nhện nằm trên màn lưới đó và một con ruồi vô ý lọt vô màn lưới nhện, qúi Phật tử đi ngang qua màn lưới nhện đó thấy con ruồi nằm trong màn lưới nhện đang dãy dụa muốn thoát ra mà thoát không được, thì lúc đó qúi Phật tử sẽ nghĩ nếu ta cứu con ruồi thì con nhện sẽ bị chết đói, tại vì nhện giăng tơ mà không có mồi thì nhện sẽ đói, và nếu như ta làm lơ không cứu con ruồi thì nhện được no bụng và ruồi sẽ bị chết.

Đứng trước bối cảnh đó chúng ta phải quyết định làm sao? Nếu ta thò tay vô lấy con ruồi ra khỏi lưới nhện, thì nhện với ta oan trái, ta phá miếng mồi của nó, nó oan trái với ta. Nhưng, ta cứu con ruồi thì ruồi với ta có sự thân thiện hay là có sự quyến thuộc sau này.

Đứng giữa ngưỡng cửa đó qúi Phật tử phải có quyết định dứt khoát và sáng suốt tại nơi đó. Mà cho dù qúi Phật tử có quyết định cách nào qúi Phật tử cũng đứng ở góc độ phải là một vị Bồ Tát hành động với một trạng thái ý thức giác ngộ của mình mới được, còn không qúi Phật tử sẽ đi vào trong pháp hiện bày, biện hộ cách nào cũng bị ảnh hưởng của luật pháp ở nơi đó mà thôi.

Thiền sinh: Thưa Sư, có lần Sư giảng có một người tỳ kheo ngồi gốc cây thấy con nai chạy qua, vị tỳ kheo đó đổi chỗ ngồi, người thợ săn rượt theo con nai, vị tỳ kheo nói là "từ lúc tôi ngồi đây tôi không thấy con nào chạy qua", như vậy tị tỳ kheo đúng hay sai?

TT trả lời: Vị tỳ kheo làm đúng, vị tỳ kheo nói câu đó là chơn ngôn, và ông đổi chỗ ngồi là chơn hạnh. Nếu như ông ngồi tại chỗ cũ mà con nai vừa chạy qua người thợ săn tới hỏi ông mà ông nói: "từ lúc tôi ngồi đây tôi không thấy con nai chạy qua" thì ông phạm 2 lỗi, vừa tà ngôn vừa tà hạnh, khi ông đổi chỗ ngồi là ông tác ý khôn khéo, vừa cứu được mạng con nai và ông nói lời chơn ngôn. Do đó qúi Phật tử cũng phải như vậy.

Đó là Sư đã nói về hạng Bồ Tát.

Mình đứng trước cái đó nó có mãnh lực gọi là duyên, tất cả đều có mãnh lực là duyên, nó có sự tương ưng với duyên, nó sẽ hiện bày kết hợp có sự bất tương ưng duyên, có sự hiện bày không thích hợp, rồi lúc đó mãnh lực duyên xen ra để chỗ mình thò bàn tay của mình trong trạng thái không hiểu biết mãnh lực duyên này thì lúc đó mình xen vào mãnh lực này tạo nên bao nhiêu chuyện xảy ra nữa.

Khi học Paṭṭhāna về Mãnh Lực Duyên, qúi Phật tử sẽ thấy nó trùng trùng duyên khởi mà mình không thể nào cắt khúc này để giải quyết câu chuyện này, cắt khúc kia với tư kiến của mình để giải quyết vấn đề kia, không có cách nào hết.

Do đó, đối với những người quyết lòng tu muốn giải thoát đầu tiên là không tạo nghiệp, và không muốn tạo nghiệp thì mình chỉ có cách là làm theo hình ảnh của 3 con khỉ mà thôi. Nghĩa là lấy tay, bịt mắt, bịt tai, bịt miệng và ngồi im nơi đó. Còn ngoài ra qúi Phật tử sẽ thấy muôn trùng, mở mắt ra là thấy, mở tai ra là nghe, mở miệng ra là muốn nói, không cách nào dừng lại được. Do đó, mình lọt vô trong một cái hệ thống hay là một qũy đạo cuốn con người mình vào trong hệ thống đó và mình không thoát ra được trừ khi mình muốn thoát ra phải làm cách 3 con khỉ, mà làm cách đó thì chúng sanh hay là xã hội nhân loại không đồng ý cách đó, lập dị, kỳ thị, cách biệt, xa cách mọi người, đâu ai cho phép, sống kiểu đó vô rừng mà sống, sống kiểu đó ai chơi được.

Do đó trăn trở của vị Bồ Tát là người ý thức giác ngộ họ trăn trở trong cuộc sống nhưng thật sự qúi Phật tử là vị Bồ Tát, cuộc sống của qúi Phật tử thật sự là còn phiền não, còn quấy nhiễu, không phút giây nào yên lặng, vì chúng sanh không ngừng tạo tác, mà mình ở trong qũi đạo của chúng sanh, mình cũng bị tương tác bởi qũi đạo đó.

Trừ khi như, Thượng Hoàng Lý Huệ Tông đang ngồi nhổ cỏ, Trần Thủ Độ đi ngang qua nói "nhổ cỏ phải nhổ tận gốc", Thượng Hoàng Lý Huệ Tông suy nghĩ rồi treo cổ tự vận, tại vì không chịu sống cuộc sống xã hội này. Nên cuộc đời của qúi Phật tử chỉ đứng trước một bối cảnh con nhện con ruồi là qúi Phật tử đã nan giải rồi, còn đứng trước con người với một con người dù người đó là cao hay thấp, người đó tốt hay xấu, người đáng thương hay người đáng ghét còn nan giải hơn con ruồi với con nhện này, khổ lắm mà tu cũng chưa được bình yên nữa. Đó là tâm trạng của những người xuất gia họ ở trong bối cảnh đó họ thấy kinh khiếp lắm, xã hội chúng sanh không ngừng tạo tác.

Người đi bắt kẻ trộm, thì mình khuyên người đi bắt hay khuyên người ăn trộm đừng đi ăn cắp, một bên bảo vệ công lý thương người bị mất của, một bên mình thương cảnh nghèo khổ của họ phải đi ăn trộm, mình phải bảo vệ người nghèo khổ này sa cơ thất thế, mình phải cứu giúp cuộc đời họ, mình làm sao vượt qua cảnh này, mình cho của cho người ăn trộm, mình năn nỉ người đi bắt đừng bắt kẻ trộm, cho của cho nó sống, qúi Phật tử làm được bao lâu.

Đó là chúng ta xen vào nghiệp của chúng sanh rồi.

Sư chưa thấy ông vua nào cótâm từ như vua Thái Lan Phumiphon Adunyadet, trước khi lên ngôi vua ông xuất gia tu 7 năm. Sau khi lên làm vua nhiều người đến qùi đảnh lễ dưới chân vua xin ông ban luật từ đây đất nước không được sát sanh, không được giết gà, giết vịt, giết heo. Ông nói không làm được, vì đó là nghiệp của chúng sanh, giờ mà ông ban bố luật một số người thực thi ai phạm luật thì bị bắt ở tù. Mà khổ con người cái gì cấm thì lại làm dữ hơn, nên qúi Phật tử thấy thương cho ông vua, ông là ông vua giữ những điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh, mỗi buổi sáng ông thọ giới rồi mới lâm triều, mà sáng đó, trưa đó, tối đó không được ăn những món ăn của người ta giết rồi dâng lên ông ăn, mà quyền bính trong tay lịnh vua là tối thượng tất cả toàn dân đều qúi kính ông, mà ông không làm được điều đó. Đức Phật Ngài cũng vậy thôi. Đề Bà Đạt Đa xin với Đức Phật 5 điều tuyệt đối người xuất gia không ăn thịt ăn cá, Đức Phật nói điều nên làm nên làm còn không làm cũng không sao không bắt buộc, do đó ngày hôm nay ai mà ăn chay người đó là con của Đề Bà Đạt Đa, còn người ăn qua ăn lại là con Đức Phật.

Rồi tối nằm suy nghi, còn nói thêm một câu nữa "mình có ăn người ta mới giết". Câu đó không nên nói, vì khi mình nói câu đó mình đồng ý cộng nghiệp với người đang giết các con thú, mình lại mang thêm tội, mình phải đóng hai tai, hai mắt và cái miệng không nói gì nữa, nói ra còn kẹt nữa.

4) Câu Hành Hỷ Bất Tương Ưng với Tà Kiến Hữu Dẫn.

Thì cũng như vậy chúng ta sẽ thấy câu thứ hai chúng ta qua câu này và nghĩ rằng là có tội.

Thí dụ, đứa bé suy nghĩ một thời gian nó lấy cắp một trái xoài với trạng thái vui mừng thoả thích nhưng nghĩ rằng điều này có tội.

Thì lúc ăn cắp trái xoài đó trong tay thì vui mừng thoả thích nhưng nghĩ lại thì hối hận tại vì điều đó là xấu, ăn cắp là không tốt, là phạm giới trộm cắp.

Phạm giới trộm cắp thì kiếp sau sanh lên đầu tiên là nghèo khổ không có của cải, đó là quả báo đến cho người trộm cắp trong đời sau này sinh trở lại làm người sống trong nghèo khổ thiếu thốn và không có của cải không có tài sản, tại vì lấy của người ta thì quả báo trở lại là nghèo khổ lại thiếu thốn không bao giờ được đầy đủ, cái điều trổ sanh ngay trong đời hiện tại với người trộm cắp là bị người ta nguyền rủa đánh đập và, kiếp sau trở lại làm người nghèo khổ đói khát thiếu thốn và không có đầy đủ tài sản của cải.

Do đó, qúi Phật tử sẽ thấy, nhưng mà bây giờ trong hoàn cảnh thì làm sao, đứa bé ăn cắp trái xoài vui mừng thoả thích nhưng nghĩ rằng điều này có tội.

Người ta thường nói "phú qúi sanh lễ nghi, còn bần cùng sanh đạo tặc", nghèo quá sanh ăn trộm, nghèo quá hết cách rồi họ phải đi vào con đường đó. Qúi Phật tử phải cẩn thận điều đó.

Do đó với trạng thái lấy của không cho là qúi Phật tử phải nhắc cho tâm qúi Phật tử là đó là trộm cắp.

Như vậy thì, lấy của không cho là qúi Phật tử phạm vào giới trộm cắp.

Vậy, văn chương chữ nghĩa của người ta viết ra qúi Phật tử lấy của người ta mà không xin phép là trộm cắp, những sáng kiến, những phát minh của người ta, mình lấy của người ta mình không xin phép là trộm cắp, chứ đừng nói đó là của thế gian hay là của mạng xã hội là mình có quyền lấy, những văn chương chữ nghĩa, những sáng kiến, những phát minh người ta tạo ra mà mình lấy là phạm tội trộm cắp.

Do đó, những cái đó làm cho chúng ta có một suy nghĩ như vậy. Như vậy thì đối với những trường hợp trong hoàn cảnh khó khăn, trong tình trạng khó xử lúng túng không giải quyết được thì mình phải thực hiện điều đó, điều này điều kia, lúc bấy giờ chúng ta phải nghĩ đó là một hoàn cảnh, hay nữa qúi Phật tử sẽ nói cái đó là đó là cái nghiệp của ta đưa đẩy tới không thoát ra được. Có những người nghèo quá họ nghĩ tới hai con đường họ phải đi, một là chịu chết đói để trong sạch, hai họ phải nhúng vào cái tội lỗi là đi ăn cắp tiếp tục tạo nghiệp. Trong xã hội loài người vẫn còn có những trường hợp đó xảy ra.

Như cậu của Sư trong thời gian 9 năm rưỡi bị đi tù cải tạo tại Thanh Hoá, cậu Sư nói lúc đó đói quá không còn biết nhân cách của con người là gì hết, đụng cái gì cũng lấy, đụng cái gì cũng ăn cắp, con gì chạy qua cũng lấy, con bò con heo, lúc đó không còn nhân cách của con người là gì hết, ai làm rớt cái gì cũng lượm liền, không còn giữ cái vị trí nào ngày xưa nữa vì đói. Khi được thả ra khỏi trại về gặp mẹ Sư ông khóc vì ăn năn xấu hổ mắc cở 9 năm rưỡi, nhưng mà cái đó nó kéo theo một chuỗi dài không bình yên vì bị xấu hổ qua đây mặc cảm không muốn gặp ai, ngày xưa mình một thời vàng son như thế nào. Do đó qúi Phật tử thấy những lúc như vậy đó đứng trong bối cảnh đó làm sao, đặt cái tâm mình trong hoàn cảnh đó mình rất là thông cảm cho chúng sanh đó nhưng mình không thể nào đồng ý với việc làm đó, điều đó Sư biết.

Một câu chuyện khác, trên đường Sư rời khỏi chùa Bửu Long, chùa Bửu Long là một ngôi chùa lộng lẫy cao sang giàu có, tiền của Phật tử cúng dường nhiều lắm, nhưng hai bên đường toàn là nhà tranh vách lá vách tôn, trên đường Sư đi Sư nghe có tiếng khóc, Sư dừng lại hỏi thăm thì được nghe là gia đình bà cụ đó nghèo quá tới khi bà chết con cháu không có tiền mua cái quan tài, chạy lên chùa xin tiền mua quan tài cho bà cụ vì bà là Phật tử, thì chùa nói không biết không cho, thì gia đình con cháu của bà chạy qua bên nhà thờ, trên con đường một bên là chùa một bên là nhà thờ, thì xin nhà thờ thì nhà thờ cho nhưng phải làm lễ rửa tội mới cho cái quan tài, thì gia đình đồng ý để được cái quan tài.

Qúi Phật tử thấy không, không có cách nào khác hơn. Do đó qúi Phật tử sẽ thấy đối với những cảnh đó đến với con người của chúng ta lúc đó chúng ta phải suy tư trằn trọc đắn đo để giải quyết vấn đề, mình nói chúng sanh vậy đó chứ tới phiên mình kinh khủng lắm, Khi ông kể về cuộc sống đói khổ trong trại tù cải tạo, cả gia đình anh chị em con cháu ngồi lại nghe đều rúng động.

Thí dụ, một đứa bé đang bị đói nó suy nghĩ một thời gian nó lấy cắp một trái xoài với trạng thái vui mừng thoả thích nhưng nghĩ rằng điều này có tội.

Biết là tội, biết là xấu xa, biết đó là không tốt nhưng phải làm vì để cứu mạng sống mình, đó gọi là Bất Tương Ưng với Tà Kiến.

Chúng ta thấy dòng sinh tử luân hồi của mình kéo dài ra nữa, miệng không nói, nhưng tâm suy nghĩ, hành động cố gắng rút lại để mình chấm dứt mau dòng sanh tử, mau được giải thoát, ở đời này khổ quá, sống trong đời này không phút giây nào an vui cả, phút giây đó đau khổ, do đó mình muốn cắt để ra đi nhưng mình làm không được, thấy nó trước mắt, thấy trong tầm tay của ta nhưng ta không nắm bắt được, nó cứ vuột trôi, giống như một người đứng trên bãi biển gần bờ, muốn vô trong bờ nhưng nước biển cứ đánh vô lôi ra, cái dòng nghiệp báo, dòng luân hồi sanh tử của chúng sanh, của tất cả chúng ta đây cứ như vậy đánh vô lôi ra không bao giờ ngưng, ta vừa hưởng một chút xíu tới bờ thì sóng biển lôi ta ra ngoài xa hơn, vừa đánh một chút xíu tới bờ thì sóng biển nó lôi ta ra xa hơn, tưởng là nó đẩy mình vô thật là nhanh mình mừng mình cố vượt vô nhưng mình không đủ lực, nó lại lôi mình ra lại, ba lần bảy lượt chúng ta chìm trong biển cả. Mà biển không dung chứa mình, biển không dung chứa tử thi, chết sình thì nó đẩy mình lên bờ, lên bãi biển, lúc đó sình chương rồi, lúc đó mình mới thật sự lên bờ. Qúi Phật tử nhìn thấy rõ cuộc sống như vậy đó. Các lượng sóng không cho mình vô bờ đến khi mình thành tử thi xác sình thúi nó không chứa mình trong biển cả mà nó đẩy mình vô bờ, nó bỏ trên bờ. Qúi Phật tử thấy đó.

Do đó, đứng góc độ nào qúi Phật tử phải là vị Bồ Tát, đứng góc độ nào qúi Phật tử phải có sự trí thức giác ngộ với trí tuệ để quyết định cho mình.

Dù đúng hay sai, dù Tương Ưng với Tà Kiến hay là Bất Tương Ưng với Tà Kiến, dù Vô Dẫn hay Hữu Dẫn, đứng góc độ nào qúi Phật tử phải có sự quyết định ở đó, đừng có nói trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia, đó là điều quan trọng.

5) Tâm tham thứ 5: Câu Hành Xả Tương Ưng với Tà Kiến Vô Dẫn

Thí dụ: với một cách mau lẹ đứa bé ăn cắp trái xoài một cách thản nhiên.

Thì khi đó nghĩ rằng không tội vì là con nít không ai bắt tội, như ngày xưa người ta nói là chỉ bắt tội những thành niên chứ không bắt tội những vị thành niên, do đó các vị thành niên tha hồ gây tội không bị tù. Nhưng ở đây, câu số 5 chúng ta đổi qua câu số 1 là Câu Hành Xả thì ở đây một cách thản nhiên đứa bé ăn cắp trái xoài nghĩ rằng không tội. Rồi thì qúi Phật tử mình cũng vậy đó, còn người bác sĩ người y tá cũng vậy đó, đối với một bệnh nhân không muốn làm cho bệnh nhân lo sợ sự tử vong đến, họ an ủi với lời nói không chơn thật mà còn nghĩ mình không có tội vì mình muốn cứu người ta nên mới nói lời không chơn thật.

Do đó, mình cẩn thận, khi đó vì quên mình mà cứu người, mình quên mình mà cứu độ chúng sanh thì chính đó mình nói láo, thì sau này quả báo trộn ngược lại là:

1) Thứ nhất mình sống trên đời này không có người thương,

2) Thứ hai, mình sống trong đời này luôn luôn là mình bị sự chỉ trích,

3) Thứ ba, mình sống trong đời này ít nhiều mình bị thị phi vì lời nói của người khác chê bai chỉ trích mình,

Là do trong quá khứ mình có tội tạo ra những lời nói không chân thật, có khi mình vì tình thương mà quên mình để cứu chúng sanh đó, mình bảo vệ đời sống người đó nhưng không bảo vệ lời nói chân thành được, do đó mình phạm vô chi nói dối sau này phải chịu quả báo trổ sanh lại cho mình.

Do đó, qúi Phật tử sẽ thấy Tương Ưng vói Tà Kiến người này nghĩ không có tội nhưng ở đây ở trong Bất Tương Ưng với Tà Kiến ta làm đây vì cứu người, ta biết đây là tạo tội, điều đó nhẹ tội hơn, giữa tâm thứ năm và tâm tham thứ 8, hai cái đó khác nhau ở chỗ đó.

Khi qúi Phật tử làm cái chi mà vì đời sống điều đó tốt qúi Phật tử nghĩ rằng xấu không tốt là Bất Tương Ưng với Tà Kiến. Còn khi qúi Phật tử làm điều xấu điều không tốt mà qúi Phật tử nói là không hề hà chi đó là qúi Phật tử đang rớt vào trong vừa xấu và vừa có sai lầm kiến chấp đó là tà kiến.

Do đó, hai cái đó khác với nhau là như vậy đó.

6) Tâm tham thứ 6: Câu Hành Xả Tương Ưng với Tà Kiến Hữu Dẫn.

Như vậy thì khi qúi Phật tử ngồi thiền người ta ghi một tiếng mà chúng ta ngồi 30 phút, ta phải nói trước, còn nếu như qúi Phật tử canh ngồi một tiếng mà qúi Phật tử ngồi không hết một tiếng tự động thản nhiên đứng lên ra về hay bỏ qua đi thiền hành không thiền tọa nữa thì lúc đó qúi Phật tử phạm tội ăn cắp giờ của Thiền Sư, tại vì Thiền Sư bỏ công ra ngồi canh cho mình tọa thiền mà mình bỏ đi về hay bỏ qua đi thiền hành không thiền tọa nữa thì lúc đó qúi Phật tử đang phạm vô vi phạm nội quy là phạm tội ăn cắp giờ của Thiền Sư

Do đó, qúi Phật tử nhớ khi qúi Phật tử ngồi thiền đúng giờ phải ngồi đúng giờ, đi đúng giờ, đúng giờ ngồi, qúi Phật tử không vi phạm.

7) Tâm tham thứ 7: Câu Hành Xả Bất Tương Ưng với Tà Kiến Vô Dẫn. là sự tham muốn một cách thản nhiên, không có sự chấp sai lầm, khởi lên mau lẹ.

8) Tâm tham thứ 8: Câu Hành Xả Bất Tương Ưng với Tà Kiến Hữu Dẫn. : là lòng tham muốn một cách thản nhiên, không có sự hiểu sai, sanh khởi do sự thúc đẩy nhiều lần.

Vậy 8 tâm này, Sư được nghe một số qúi Phật tử thắc mắc về vấn đề 8 tâm này tuần vừa qua, giờ Sư nhắc ôn bài lại.

© Minh Hạnh / phathocvandao


Mục Lục

Phật Học Vấn Đạo
  1. Pháp Học và Pháp hành, Tổng Hợp Nội Dung Vô Tỷ Pháp
  2. Ứng dụng Pháp Siêu Lý trong Thiền
  3. Cảnh của Trí Tuệ Cao Siêu
  4. Pháp Siêu Lý
  5. Tâm Siêu Lý
  6. Tâm Dục Giới
  7. Tâm Dục Giới
  8. Tâm Bất Thiện
  9. Tâm Tham
  10. Pháp Độ Ba-la-mật
  11. Pháp Độ Trí Tuệ Balamật
  12. Tinh Tấn độ
  13. Chân Thật Độ
  14. Pháp Độ Từ Ái Ba-la-mật
  15. Pháp Độ Hành Xả Ba-la-mật
  16. Tâm Sân
  17. Tâm Si
  18. 12 Tâm Bất Thiện
  19. Tâm Vô Nhân
  20. Tâm Nhận Thức
  21. Trình Pháp
  22. Tâm Vô Nhân 2
  23. 3 loại Tâm Vô Nhân
  24. Ý Giới và Ý Thức Giới
  25. Tâm Tiếp Thâu và Tâm Thẩm Tấn
  26. Tâm Duy Tác Vô Nhân
  27. Khai Ý Môn
  28. Tâm Đại Thiện
  29. Tâm Thiện
  30. Thập Phúc Hành Tông
  31. Tâm Thiện Thiền Sắc Giới
  32. Phần Vấn Đạo - Vi Diệu Pháp

sannhien.com.au